KARMA YOGA: CON ĐƯỜNG HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC
Karma Yoga là phụng sự bất vụ lợi, là con đường nhanh nhất để tâm hồn ta trở lại thanh khiết và vượt qua khỏi những giới hạn gò bó của nó. Các tu sĩ Karma lao động cật lực bằng cả chân tay lẫn trí óc. Họ tìm cách loại bỏ sự ích kỷ trong tâm, dứt bỏ luyến ái, phụng sự nhân loại mà không mong chờ được đền đáp và luôn nhận ra được sự hợp nhất ở mọi trạng thái thiên hình vạn trạng của vũ trụ. Điều này cho phép họ có thể hòa hợp cùng với bản chất thánh thiện, vốn vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Karma Yoga là đạo lý thích hợp với những người tính khí tích cực, còn đa mang thế sự. Họ vẫn tiếp tục lặn ngụp trong dòng đời, nhưng dâng hiến bản thân, phụng sự những mục đích cao cả.
Người thực tập KARMA YOGA họ rất tin vào nghiệp báo, họ thường tạo ra những NHÂN tốt, để được QUẢ tốt đời sau. Tuy nhiên có một số người không quan tâm về nghiệp hay nhân quả khi họ hành động tốt, nhưng cái quả ấy vẩn có ở đời sau. Theo lời của Lokamaya Tilak thì đây là YOGA của kinh Gita. KARMA trong tiếng Phạn có nghĩa là hành động, và là một hành động bất vụ lợi, là con đường nhanh nhất để tâm hồn trở nên trong sáng và vượt khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian. Dạng Yoga này được gọi như vậy là bởi vì sau khi đã đạt được chính quả (jivanmukta) người ấy vẫn không ngừng hoạt động.
Thông thường con người ta làm bất cứ một việc gì cũng có những ước muốn hoặc tham vọng. Nhưng đối với một người đắc quả, hành động mà không bị trói buộc mình vào thành quả đó, thì người đó mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc của mọi hành động. Như vậy KARMA YOGA là con đường hướng dẫn người ta hết lòng thực hiện bổn phận của mình mà không hề mong được lợi lộc gì trong đó. Đối với một người bình thường, những điều này khó thực hiện. Bởi vì hầu hết chúng ta thường mơ tưởng và ham muốn đến những lạc thú mà hành động của mình có thể đem lại. Ta luôn luôn mong muốn đến sự thăng tiến sắp tới của mình từ địa vị, uy tín, quyền lực trong xã hội v.v…
Ta thường làm rất nhiều việc nhằm mục đích trở nên là người quan trọng trong công việc mà mình đang làm, luôn luôn mơ tưởng sẽ đạt được những gì mà người khác không thể đạt được. Nhưng đối với các hành giả KARMA YOGA thì khác biệt hoàn toàn, họ biết cách loại bỏ tính ích kỷ trong tư tưởng, dứt bỏ sự luyến ái, phụng sự nhân loại mà không mong cầu sự đền đáp. Những bực gương mẩu của KARMA YOGA là Pasteur, Calmette, Yersin, Gandhi v.v… là những vị “ hết lòng phục vụ cho nhân loại, phục vụ cho hòa bình thế giới”.